-->

Sau hơn 10 năm để các công ty bảo hiểm nhân thọ được tuyển dụng tự do đại lý bảo hiểm nhân thọ, từ ngày 1/7/2009, thực hiện Thông tư số 86/2009/TT-BTC của Bộ Tài chính, Cục Quản lý và Giám sát bảo hiểm - Bộ Tài chính đã chính thức “cầm trịch” đối với việc cấp phép hoạt động cho các đại lý này.

Siết chặt đầu vào

Các công ty bảo hiểm tin tưởng và giao khá nhiều quyền cho đại lý bảo hiểm, bởi đây được coi là “cánh tay phải” của công ty. Nhưng sau những tháng ngày vui vẻ hợp tác, đã có không ít trường hợp đại lý bảo hiểm làm việc sai nguyên tắc, không chăm sóc khách hàng tốt, ảnh hưởng đến quyền lợi khách hàng và uy tín của công ty, bị buộc phải ngưng hợp đồng. “Siết” chặt đầu vào là cách tốt nhất mà nhiều công ty bảo hiểm đã triển khai để chấn chỉnh tình trạng này. Kể từ ngày 1/7/2009, hoạt động này được hỗ trợ mạnh mẽ từ cơ quan quản lý khi Cục Quản lý và Giám sát bảo hiểm chính thức vào cuộc.


Thông tư số 86/2009/TT-BTC của Bộ Tài chính ngày 28/4/2009 quy định: “Chỉ những cơ sở đào tạo đại lý được Bộ Tài chính chấp thuận hoạt động mới có quyền cấp chứng chỉ đào tạo đại lý bảo hiểm. Người được cấp chứng chỉ phải hoàn thành chương trình đào tạo đại lý bảo hiểm do cơ sở đào tạo đại lý bảo hiểm tổ chức và thi đỗ trong kỳ thi cấp chứng chỉ đào tạo đại lý bảo hiểm do Bộ Tài chính tổ chức hoặc cơ sở đào tạo đại lý bảo hiểm được Bộ Tài chính ủy quyền tổ chức”.

Như vậy, Bộ Tài chính chính thức phụ trách phần sát hạch đại lý, dựa trên những câu hỏi do công ty bảo hiểm nhân thọ gửi về và thu lệ phí cấp giấy phép hành nghề đại lý. Trong khi trước đó, các công ty bảo hiểm nhân thọ chuẩn bị tài liệu huấn luyện, trình Bộ Tài chính duyệt và chủ động hoàn toàn trong việc huấn luyện và sát hạch đại lý bảo hiểm.

Băn khoăn

Việc “siết” chặt quy định tuyển đại lý bảo hiểm của Bộ Tài chính được các doanh nghiệp đồng tình, nhưng vẫn còn một số băn khoăn liên quan. Trước đây, việc tổ chức thi và cấp chứng chỉ hành nghề cho các đại lý bảo hiểm chỉ cần Bộ Tài chính duyệt chương trình huấn luyện và cấp giấy phép cho doanh nghiệp tổ chức các lớp huấn luyện và tự cấp chứng chỉ nên doanh nghiệp không thu lệ phí. Nhưng theo quy định mới, Bộ Tài chính quy định mức lệ phí thu trên số người tham dự là 70.000 đồng/người. Khoản lệ phí này hiện nay có doanh nghiệp thu của đại lý, nhưng cũng có doanh nghiệp bỏ tiền ra để đóng thay cho đại lý, nên cảm thấy lúng túng vì không biết hạch toán khoản chi phí này vào đâu.

Khó khăn lớn hơn mà một số doanh nghiệp đang gặp phải là cách tổ chức thi tuyển đại lý chưa hoàn thiện và hợp lý. Đối với những công ty mới, khó khăn không đáng kể, nhưng với những công ty bảo hiểm nhân thọ lớn (thường phải tuyển hàng tháng), có số lượng tuyển dụng nhiều và khắp các tỉnh, thành thì khó khăn lớn hơn nhiều.

Lãnh đạo cấp cao một công ty bảo hiểm nhân thọ cho biết, hiện tại vẫn chưa có một quy trình chuẩn. Theo quy định thì Bộ Tài chính ra đề, nhưng bản chất đề thi vẫn là của doanh nghiệp, các câu hỏi chưa thực sự đúng với tầm ra đề của Bộ Tài chính. Nhiều câu hỏi áp dụng đối với doanh nghiệp bảo hiểm này thì đúng, nhưng áp dụng với doanh nghiệp bảo hiểm khác lại chưa đúng, vì hiện tại Bộ vẫn chưa có một bộ đề chuẩn.

“Theo Thông tư số 86/2009/TT-BTC , Bộ Tài chính tham gia giám sát vào quá trình tổ chức huấn luyện đào tạo và cấp chứng chỉ cho các đại lý bảo hiểm. Nhưng có lẽ cần phải có thời gian để chuẩn bị một chương trình đào tạo chuẩn, đồng nhất cho cả thị trường bảo hiểm và thực hiện quy định này theo lộ trình thì sẽ bớt băn khoăn hơn cho doanh nghiệp”, vị lãnh đạo này nói.




Nguồn: ĐTCK online




.

0 nhận xét: